Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

TRANG PHỤC ẢNH HƯỞNG ĐẾN TƯ DUY CỦA BẠN RA SAO?

Trang phục phù hợp cho phỏng vấn

Hẳn chúng ta đã biết quần áo ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận chúng ta ra sao; khi đi phỏng vấn, dù bạn có giỏi giang và tài năng như thế nào nhưng quần áo tuềnh toàng chắc hẳn sẽ khiến “sếp” tương lai đặt dấu chấm hỏi về tham vọng làm việc của bạn.

Tuy nhiên, quần áo không chỉ dừng lại ở việc định hình cách nhìn của mọi người đối với bạn. Một nghiên cứu mới của các nhà tâm lý tại ĐH Bang California và ĐH Columbia cho thấy quần áo còn có thể ảnh hưởng đến chính suy nghĩ của bạn.

Xuyên suốt 5 thực nghiệm, các tác giả Michael Slepian, Simon Ferber, Joshua Gold và Abraham Rutchick đã phát hiện rằng việc cố gắng gây ấn tượng bằng trang phục còn giúp nâng cao khả năng tư duy trừu tượng của cá nhân.

Các nhà nghiên cứu viết, “Trang phục nghiêm túc không chỉ ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận cá nhân và cách cá nhân nhìn nhận bản thân mà còn tác động đến việc ra quyết định thông qua những ảnh hưởng lên cách thức xử lý.”

Slepian và đồng sự quan tâm nghiên cứu đến cách thức quần áo chỉnh tề, tương tự như ngôn ngữ, tạo ra khoảng cách về tâm lý và xã hội giữa con người như thế nào. Ví dụ, chúng ta thường nhắc đến một người không thân thiết bằng chức danh của họ, thay vì bằng tên, ngay cả khi ta và người đó có cùng địa vị xã hội.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy khoảng cách xã hội thể hiện qua hành vi lịch sự có thể làm tăng khả năng tư duy trừu tượng; ví dụ, một nghiên cứu cho thấy khi yêu cầu người tham gia nhắc đến ai đó một cách lịch sự, họ thường sẽ sử dụng ngôn ngữ trừu tượng nhiều hơn. Về bản chất, những sự kiện mang “khoảng cách” về tâm lý thường được nhìn nhận theo hướng trừu tượng hơn, trong khi những sự kiện “gần gũi” thường được cân nhắc cụ thể hơn.

Trang phục nghiêm túc thường được sử dụng trong những bối cảnh không thân mật – điều này khiến cho chúng trở nên kiểu y phục mang “khoảng cách xã hội”.

“Cụ thể hơn, vì trang phục chỉnh tề gắn liền với việc gia tăng khoảng cách xã hội, chúng tôi cho rằng chúng cũng sẽ củng cố tiến trình nhận thức trừu tượng,” các nhà khoa học viết trên tạp chí Social Psychological and Personality Science.

Trong một chuỗi thực nghiệm, các sinh viên mang quần áo bình thường được yêu cầu đánh giá mức độ “nghiêm túc” của y phục họ đang mang so với bạn bè mình. Sau đó họ sẽ thực hiện một loạt các trắc nghiệm được chuẩn hóa nhằm đo đạc phong cách xử lý nhận thức của họ.

Nhóm nghiên cứu đưa cho sinh viên một danh sách các hành động và họ được yêu cầu chọn lựa giữa cách giải thích trừu tượng và cụ thể cho mỗi hành động. Ví dụ, “bỏ phiếu” có thể được mô tả theo nghĩa trừu tượng là “làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử” hay được diễn dịch theo nghĩa cụ thể hơn là “đánh dấu vào người mình chọn”.

Ngay cả sau khi kiểm soát các yếu tố về kinh tế xã hội, những sinh viên mang quần áo lịch sự hơn vẫn cho thấy khuynh hướng xử lý trừu tượng nhiều hơn.

Trong một thực nghiệm khác, 54 sinh viên đại học được yêu cầu mang đến phòng thực nghiệm hai bộ quần áo để phục vụ nghiên cứu “giả mạo” về việc cách con người hình thành ấn tượng dựa trên trang phục. Một bộ trang phục sẽ là trang phục chỉnh tề để đi phỏng vấn và bộ còn lại là bộ đồ bình thường các bạn mặc đi học. Những người tham gia sau đó sẽ được chỉ định ngẫu nhiên để mặc một trong hai bộ đồ trên.

Tiếp theo, các sinh viên sẽ hoàn thành một trắc nghiệm về xử lý nhận thức nhằm xác định xem liệu họ chú ý đến bức tranh tổng thể hay đến những chi tiết nhỏ nhặt. Sau khi xem qua một loạt các chữ cái lớn được hình thành từ nhiều chữ cái nhỏ (chữ L hay H lớn được hình thành từ 8 chữ L và H nhỏ hơn), nghiệm thể cần phải xác định xem mỗi hình trên là một chữ cái lớn hay là chuỗi các chữ nhỏ.

Đúng như dự đoán, những ngườit ham gia mặc quần áo nghiêm túc thường xử lý thông tin một cách toàn diện (nhìn ra chữ lớn) nhiều hơn xử lý cục bộ (nhiều chữ cái nhỏ) so với những sinh viên mang quần áo “bụi bặm”.

Cách thức xử lý có thể ảnh hưởng đến nhiều thành tố quan trọng tại nơi làm việc, từ cách con người ra quyết định cho tới cách tập trung vào công việc. Tuy nhiên, hãy khoan vứt bỏ những bộ quần áo bình thường, các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng cần có những nghiên cứu tiếp theo với lượng mẫu lớn hơn, đa dạng hơn để hiểu rõ mức độ y phục chỉn chu ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta.

Tài liệu tham khảo
Slepian, M. L., Ferber, S. N., Gold, J. M., & Rutchick, A. M. (2015). The Cognitive Consequences of Formal Clothing. Social Psychological and Personality Science. doi: 10.1177/1948550615579462




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter