Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

LÀM CÁCH NÀO GIỮ VỮNG QUYẾT TÂM CHO NĂM MỚI?


30/12/2014 Ray Williams 
Khởi đầu Năm mới thường là thời điểm tuyệt hảo để “sang trang” cuộc đời của mỗi người, và đó là lý do tại sao rất nhiều người đặt ra những quyết tâm đầu năm. Thế nhưng, tại sao việc giữ vững các quyết tâm trên lại thường khó khăn đến thế?

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiệu tỉ lệ thành công quyết tâm đầu năm của mọi người: Hai tuần đầu tiên thường diễn ra rất đằm thắm, tươi đẹp, nhưng từ khi bước vào tháng 2, chúng ta bắt đầu trượt dốc. Đến thời điểm tháng 12 của năm sau, chúng ta lại trở về điểm xuất phát – đôi khi lại còn thua cả năm trước. Tại sao nhiều người không thể thực hiện quyết tâm của mình? Do ý chí của chúng ta còn kém cỏi hay do mình quá lười biếng?

Theo nhà nghiên cứu John Norcross và cộng sự, những người vừa công bố phát hiện của mình trên Journal of Clinical Psychology, khoảng 50% dân số đặt ra quyết tâm mỗi dịp Năm mới. Những quyết tâm thường thấy nhất là giảm cân, tập thể dục, ngưng hút thuốc, quản lý tiền bạc tốt hơn và trả nợ.

Timothy Pychyl, Giáo sư tâm lý học tại ĐH Carleton – Canada, cho rằng quyết tâm đầu năm là một dạng “trì hoãn văn hóa”, một nỗ lực tái tạo bản thân. Chúng ta đặt ra quyết tâm như là cách động viên chính mình. Pschyl lập luận rằng con người chưa sẵn sàng để thay đổi các hành vi của mình, đặc biệt là những thói quen xấu, và đó là lý do khiến tỉ lệ thất bại cao đến vậy. Một nguyên nhân khác, theo TS. Avya Sharma thuộc Mạng lưới Béo phì Canada, là do chúng ta đặt ra những mục tiêu và kỳ vọng phi thực tế khi thực hiện quyết tâm đầu năm.

Giáo sư Tâm lý Peter Herman và cộng sự đã nhận diện điều mà họ gọi là “hội chứng hy vọng hão”, trong đó những quyết tâm của chúng ta rõ ràng phi thực tế và tách rời với nội quan của ta về chính mình. Nguyên tắc này được phản ánh qua việc tạo ra những xác nhận tích cực. Khi chúng ta đưa ra những nhận xét tích cực về bản thân mà ta lại không thật sự tin tưởng vào điều đó, nhận định tích cực không chỉ không có hiệu quả mà còn có thể làm tổn hại đến giá trị bản thân của mỗi người.

Một khía cạnh khác của những quyết tâm thất bại nằm ở mối quan hệ nhân – quả. Bạn có thể nghĩ rằng nếu mình giảm cân, trả nợ hay tập thể dục nhiều hơn thì toàn bộ cuộc sống sẽ biến đổi, nhưng nếu điều đó không xảy ra, bạn sẽ cảm thấy chán nản và dễ dàng quay ngược lại những hành vi cũ.

Hoàn thành quyết tâm đầu năm bao gồm việc thay đổi hành vi – để làm được điều này, bạn cần phải biến đổi nhận thức của mình (hay “tái lập” não bộ của bạn). Các nhà khoa học thần kinh như Antonio Damasio, Joseph LeDoux, và nhà tâm lý trị liệu Stephen Hayes, thông qua việc sử dụng MRI, đã tìm ra rằng hành vi thói quen được hình thành bởi những mô hình tư duy, trong đó tạo ra các đường liên hệ thần kinh và ký ức. Những yếu tố này sẽ trở thành nền tảng mặc định hành vi của bạn mỗi khi đối diện với một lựa chọn hay quyết định. Cố gắng thay đổi tư duy mặc định bằng cách “cố gắng không thực hiện điều đó”, trên thực tế, chỉ giúp củng cố các hành vi trên. Thay đổi cần phải có những đường liên hệ thần kinh mới, xuất phát từ những tư duy mới.

Trong Harvard Business Review Blog Network, Peter Bregman lập luận rằng “Khi chúng ta thiết lập các mục tiêu, chúng ta được dạy rằng cần làm sao cho chúng cụ thể, có thể đo đạc và có giới hạn thời gian. Tuy nhiên, hóa ra những đặc điểm trên lại chính là lý do các mục tiêu trở nên phản tác dụng. Một mục tiêu cụ thể, có thể đo đạc và xác định thời hạn giúp thúc đẩy các hành vi có phạm vi tập trung và thường dẫn đến gian lận hay thiển cận. Thật vậy, chúng ta thường đạt được mục tiêu, nhưng với giá nào?”

Bregman đề nghị nên sử dụng một khu vực tập trung, thay vì đơn thuần xác định những mục tiêu nhỏ lẻ, “Một khu vực tập trung sẽ tác động nhiều hơn đến động lực bên trong của bạn, nó không kích thích bạn gian lận hay thử những nguy cơ không cần thiết, nó sẽ để ngỏ mọi khả năng hay cơ hội tích cực, đồng thời khuyến khích bạn hợp tác, giảm thiểu cạnh tranh gây hao tổn. Tất cả những điều này khi được thực hiện sẽ giúp thúc đẩy những giá trị mà bạn và tổ chức bạn làm việc đánh giá cao.”

Nếu bạn vẫn thật sự muốn đặt ra những quyết tâm đầu năm thì đây là một vài mẹo giúp bạn giữ vững mục tiêu của mình:
  1. Tập trung vào một quyết tâm, thay vì đặt ra nhiều mục tiêu, đồng thời thiết lập những mục tiêu thực tế, cụ thể. Giảm cân chưa phải là mục tiêu cụ thể, hãy đặt ra nhiệm vụ giảm 5 ký trong 90 ngày;
  2. Đừng đợi đến Giao thừa rồi mới quyết tâm. Hãy biến nó thành một tiến trình kéo dài mỗi ngày, cả năm;
  3. Hãy làm từng bước. Rất nhiều người bỏ cuộc vì mục tiêu quá lớn, nó yêu cầu quá nhiều nỗ lực và hành động cùng một lúc;
  4. Hãy chọn một người bạn thân tín, người ở gần bạn mà bạn có thể báo cáo thường xuyên;
  5. Hãy ăn mừng thành công khi đạt được những bước tiến. Đừng đợi đến khi mục tiêu hoàn thành mới ăn mừng.
  6. Tập trung suy nghĩ của bạn vào hành vi và kiểu tư duy mới. Bạn cần tạo ra những đường liên kết thần kinh mới trong não bộ để thay đổi thói quen.
  7. Tập trung vào hiện tại. Đâu là điều bạn có thể làm ngày hôm nay, ngay bây giờ để giúp bạn đạt được mục tiêu?
  8. Mỗi khi có những sự kiện bên ngoài xuất hiện, hãy chú tâm vào trạng thái bên trong của bạn, cả về thể lý, cảm xúc và tinh thần. Hãy sống cho từng khoảnh khắc, thay vì ở mãi trong quá khứ hay tương lai.
Và cuối cùng, đừng nghiêm trọng hóa vấn đề quá mức. Hãy vui vẻ và mỉm cười chính mình mỗi khi bạn thất bại, nhưng đừng để vấp ngã ngăn cản bạn đến với mục tiêu của mình.


http://www.psychologytoday.com/blog/wired-success/201412/why-people-cant-keep-their-new-years-resolutions

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter