![]() |
Chủ nghĩa khủng bố |
Các nhà tâm lý thu thập những dữ liệu cụ thể về các tác nhân
khiến một người đi theo chủ nghĩa khủng bố - đồng thời sử dụng những kiến thức
đó để tìm cách ngăn ngừa hành vi trên.
Tori DeAngelis 11/2009
Xác định điều gì khiến con người đi theo chủ
nghĩa khủng bố là một công việc không hề dễ dàng. Lý do? Những kẻ khủng bố
không giống những người tình nguyện làm đối tượng thực nghiệm trong các nghiên
cứu khác, đồng thời việc tìm hiểu hoạt động khủng bố từ xa có thể dẫn đến những
kết luận thiếu chính xác. Hơn nữa, khủng bố với người này lại được nhìn nhận là
chiến binh tự do với người khác, hàng triệu người Ả Rập vẫn luôn ủng hộ những
người Palestine đánh bom liều chết là một minh chứng.
Với những khó khăn trên, các nhà nghiên cứu thừa
nhận, tâm lý học khủng bố được ghi nhận như những lý thuyết và ý kiến cá nhân
nhiều hơn là một ngành khoa học chính xác. Tuy nhiên, một số những nhà tâm lý
học đã bắt đầu thu thập những dữ liệu đáng tin cậy khác nhau. Họ nhận ra rằng
việc nhìn chủ nghĩa khủng bố dưới quan điểm năng động và là một tiến trình nhóm
- chính trị sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn thay vì xem xét nó dưới phạm vi cá
nhân, đồng thời những nguyên tắc tâm lý phổ quát – như tiềm thức về nỗi sợ cái
chết cùng khát khao về ý nghĩa và vị trí cá nhân – có thể giúp giải thích một
vài khía cạnh của hành động khủng bố và những phản ứng của chúng ta trước những
hành vi này.
Sau cùng, những thông tin trên có thể hỗ trợ cho
các nhiệm vụ phòng trừ khủng bố. Kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý cho thấy
việc xoa dịu những nỗi sợ về tận diệt văn hóa, nhấn mạnh tính nhân văn toàn cầu
hay việc chỉ ra đâu là thực tế và ảo tưởng của khủng bố có thể giúp những người
có ý định khủng bố từ bỏ bạo lực.
Thật vậy, theo nhà tâm lý xã hội TS.Arie
Kruglanski, đồng giám đốc Liên hiệp Quốc gia về Nghiên cứu Khủng bố và Đáp trả
Khủng bố (START) - một trong các Trung tâm Cơ sở Đại học Ưu tú được thành lập
theo Đạo luật An ninh Quốc gia năm 2002, ý niệm cho rằng khủng bố có thể được thuyết
phục quay lưng với bạo lực nhờ đối thoại hòa bình và giang tay hỗ trợ đã không
còn là giấc mộng viễn vông của một nhà tư tưởng đơn lẻ, trên thực tế, nó đã trở
thành mục tiêu của nhiều chương trình “chống-cực đoan” trên toàn thế giới.
Kruglanski, người nghiên cứu một trong những
chương trình trên, cho biết “Trong khi vẫn cần thiết đánh giá những chương
trình này”, “trong một vài trường hợp, chúng ta có vẻ đã thu được một số thành
công nhất định.”
Cạm bẫy đến từ sự sợ hãi
Trong nhiều năm, các nhà tâm lý đã kiểm tra
những đặc điểm cá nhân của các thành viên khủng bố, đào xới những manh mối giúp
giải thích ý muốn bạo lực của họ. Trong hoàn cảnh các nhà nghiên cứu hiện nay đều
đồng ý rằng đa phần khủng bố không có “tâm bệnh” theo nghĩa truyền thống, tâm
lý gia TS. John Horgan, người chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố Quốc tế
thuộc ĐH Bang Pennsylvania, thông qua phỏng vấn 60 cựu thành viên khủng bố, đã
rút ra được nhiều hiểu biết rất quan trọng.
Ông phát hiện rằng những người dễ tham gia khủng
bố và cực đoan thường:
·
Cảm thấy giận dữ, bị xa lánh và tách biệt.
·
Tin rằng phạm vi tham gia chính trị hiện tại của họ không cho phép
họ có đủ năng lực để tạo ra thay đổi thật sự.
·
Đồng hóa mình với những người mà họ cho là nạn nhân của bất công
xã hội mà họ đang tranh đấu
·
Cảm thấy cần phải hành động thay vì chỉ ngồi thảo luận vấn đề
·
Tin rằng bạo lực chống lại nhà nước không phải là hành vi vi phạm
đạo đức
·
Gia đình và bạn bè thông cảm với lý tưởng họ đi theo
·
Tin rằng tham gia phong trào sẽ đem lại những phần thưởng tâm lý
và xã hội như cơ hội phiêu lưu, tình đồng chí và ý thức về căn tính được nâng
cao.
Bên cạnh những đặc điểm cá nhân của khủng bố,
Horgan còn nhận ra rằng việc điều tra cách
thức con người thay đổi do tham gia khủng bố mang lại nhiều lợi ích hơn so
với việc đơn thuần hỏi ngay tại sao
họ bước chân vào tổ chức. Nguyên do là vì câu hỏi tại sao sẽ đem đến những câu
trả lời về lý tưởng và rất hời hợt, trong khi hỏi về cách thức sẽ giúp tiết lộ
những thông tin quan trọng về tiến trình gia nhập, hoạt động và rời bỏ tổ chức,
dù là được tuyển chọn hay là do quyết định cá nhân; những thông tin về cách
lãnh đạo tác động lên thành viên khiến họ nhận một vai trò nào đó, ví như tôn
vinh hành động đánh bom tự sát; hay thông tin về những tác nhân thúc đẩy thành
viên ra khỏi tổ chức.
Sau đó, những thông tin này có thể giúp đem lại
những cách can thiệp khả dĩ. Ví dụ, dựa vào những gì Horgan biết được về lý do
các thành viên rời bỏ tổ chức, một trong những chiến lược được sử dụng là nhấn
mạnh cuộc sống mơ ước mà các tổ chức hứa hẹn chẳng bao giờ xảy ra – một kinh
nghiệm được một cựu khủng bố hiện đang lẩn trốn chua chát thuật lại. Người đó kể
với Horgan rằng anh ta bị lôi kéo vào phong trào ngay lúc còn tuổi vị thành
niên khi một người tuyển chọn lãng mạn hóa lý tưởng chiến đấu. Nhưng anh nhanh
chóng nhận ra đồng đội của mình chỉ có những giá trị tín ngưỡng mà không hề có
lý tưởng anh đi theo, và khi giết nạn nhân đầu tiên trong khoảng cách gần, anh
đã rất hoảng sợ.
Theo Horgan, “Những hành động thực tế không phải
là những điều trẻ con được hướng dẫn để tin theo” “Việc nói chuyện với những
cựu khủng bố hồi chánh, những người tay đã vẩn máu, đem lại cho chúng ta một cơ
hội tuyệt vời để sử dụng chính những hành động và lời nói của khủng bố để chống
lại chúng.”
Một số nhà tâm lý tin rằng chủ nghĩa khủng bố
được nhìn nhận chính xác nhất khi đặt dưới lăng kính chính trị. Nhà tâm lý, TS.
Clark McCauley, đồng nghiên cứu tại START và Trung tâm Nghiên cứu Xung đột
Chính trị Sắc tộc Solomon Asch tại ĐH Bryn Mawr, xem chủ nghĩa khủng bố là
“cuộc chiến của kẻ yếu”-nghĩa là nhóm người nào thiếu sức mạnh chính trị hay
vật chất sẽ chống lại những gì mà họ cho là lực lượng áp bức. Ông tin rằng hành
động khủng bố và phản ứng của chính phủ trước hành vi này có mối quan hệ hỗ
tương năng động, chuyển động của nhóm này sẽ gây ảnh hưởng đến nhóm kia. Ví dụ,
nếu khủng bố thực hiện một loạt tấn công và nhà nước sử dụng lực lượng trấn áp
để gửi thông điệp trừng phạt, khủng bố sẽ dùng hành động này để dấy lên tâm lý
chống chính phủ lớn hơn nơi người dân, và lấy đó làm cái cớ cho những hoạt động
tiếp theo của họ. Tuy nhiên, nghiên cứu gần như vẫn tập trung chủ yếu vào các
hành động khủng bố mà chưa đề cập tới tầm quan trọng của vế kia của phương trình,
McCauley tranh luận. “Nếu bạn không theo dõi việc chúng ta đáp trả ra sao, thì
làm sao bạn có thể hy vọng tìm ra giải pháp nào là tốt hơn hay tệ hơn?”
http://www.apa.org/monitor/2009/11/terrorism.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét