Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

LIỆU CÓ HAY KHÔNG BẰNG CHỨNG KHOA HỌC VỀ VIỆC KÝ ỨC BỊ DỒN NÉN?

Lớp học của GS. Freud.
Bài 1 - VÔ THỨC
"Tôi cần một người tình nguyện, có ai không?"

ERIC W. DOLAN 24/8/2014

Một nghiên cứu khoa học vừa cho thấy “cuộc chiến ký ức” giữa các nhà tâm lý về khái niệm hồi ức bị dồn nén của Freud, hiện tượng xuất hiện khi sự kiện sang chấn bị đè nén trong tâm trí một cách vô thức, vẫn chưa đến hồi kết.
Vào thập niên 90, tranh luận lên đến đỉnh điểm khi một số tâm lý gia tuyên bố họ “hồi phục” được nơi những bệnh nhân của mình các ký ức về lạm dụng tình dục trẻ em và lạm dụng nghi thức thờ quỷ (satanic ritual abuse), hai yếu tố dẫn đến hiện tượng “hoảng loạn ma quỷ” (satanic panic).
Tuy nhiên, tranh cãi ở quy mô nhỏ hơn vẫn tiếp tục diễn ra. Mối thâm thù khoa học bùng phát gần đây nhất khi nghiên cứu mang tên “ ‘Cuộc chiến Ký ức’ liệu đã kết thúc? Khác biệt về Niềm tin vào Ký ức bị Dồn nén giữa Nhà khoa học và Nhà thực hành chuyên môn” được xuất bản trong tạp chí Psychological Science vào tháng Hai.
Nhóm nghiên cứu cũng tuyên bố họ có bằng chứng về “khoảng cách” trên.
Patihis và đồng nghiệp giải thích: “Mặc cho sự thay đổi thái độ rõ ràng này, phần lớn những nhà chuyên môn không làm nghiên cứu vẫn công nhận sự có mặt của ký ức dồn nén ở mức độ nào đó và tin vào khả năng “khơi gợi” nơi phương thức trị liệu của mình,” “Đáng chú ý ở chỗ chúng tôi tìm ra một vực sâu ngăn cách niềm tin giữa các tâm lý gia tập trung vào nghiên cứu và những nhà thực hành hay người không chuyên.”
Nhóm nghiên cứu cho rằng khác biệt đến từ việc những nhà tâm lý lâm sàng xem trọng trực giác và quan sát của mình hơn bằng chứng khoa học.
“Một vài nhà lâm sàng có thể dựa vào những tường thuật về việc phục hồi ký ức với mức tự tin cao như bằng chứng khởi đầu về độ chính xác của những ký ức bị dồn nén, trong khi đa phần các nhà nghiên cứu lại yêu cầu những lý luận kiểu này phải qua nghiên cứu có kiểm soát.”
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu người London Chris R. Brewin và Bernice Andrews lại lập luận trong
bài nhận xét được xuất bản vào tháng Tám rằng Patihis và cộng sự đã sai lầm khi tuyên bố sự khác biệt này có tồn tại. Họ cho rằng giả định “sự dồn nén là một khái niệm phi khoa học” và “những nhà thực hành tâm lý - lâm sàng chưa được huấn luyện đầy đủ các nghiên cứu về trí nhớ” là không đúng. Brewin và Andrews bắt đầu bài phê bình nghiên cứu của mình bằng việc quy trách những nhà khoa học đã không tính đến hai loại dồn nén khác nhau.

“Freud đã chỉ ra nhiều lần từ đầu và xuyên suốt tác phẩm của mình rằng ông thu nạp hai ý nghĩa khá khác biệt trong cùng một thuật ngữ dồn nén, một cái có liên quan đến phòng vệ hoàn toàn vô thức và một cái là chiến lược phòng vệ có ý thức. Trong khi các cố gắng tìm kiếm bằng chứng thực nghiệm về phiên bản vô thức đa phần không thành công thì loại dồn nén có ý thức lại tương ứng với chiến lược ta sử dụng hàng ngày, ví dụ, những suy nghĩ tránh né hay bác bỏ.”
Họ nói, sự tồn tại của những ý nghĩ tránh né hay bác bỏ trong các rối loạn sức khỏe tâm thần từ lâu được củng cố bởi những nghiên cứu đã xuất bản.
“Để kết luận, chúng tôi cho rằng dữ liệu mà Patihis và cộng sự ghi nhận không giúp xác định sự phân chia quan trọng trong quan điểm của những nhà nghiên cứu và các tâm lý gia lâm sàng mà chỉ cho thấy sự khác biệt giữa nhà lâm sàng và những nhà thực hành khác. Trong đó, nhà lâm sàng trình bày những chứng cứ rõ ràng về việc họ thích ứng thực hành của mình theo những thay đổi trong cơ sở bằng chứng. Với những bằng chứng phong phú rằng các sự kiện như cái chết, giết chóc và tấn công tình dục đôi khi có thể bị quên lãng, trong tương lai, chúng tôi mong sẽ thấy được những nghiên cứu với trọng tâm rộng hơn tập trung vào những lý giải nhận thức khả thi đối với hiện tượng lãng quên các sự kiện sang chấn.”
Tuy vậy, trong bài hồi đáp phê bình, Patihis và đồng sự nhấn mạnh rằng nghiên cứu của họ có phân biệt ký ức bị dồn nén cách vô thức và việc loại bỏ có ý thức những ký ức đau thương.
Họ viết trong bình luận rằng, “chúng tôi tin rằng trí nhớ, dù là câu chữ hay thậm chí những sự kiện sang chấn, có thể không được nghĩ đến trong một khoảng thời gian rồi sau đó mới được nhớ lại, có lẽ là đi kèm một dấu hiệu nào đó,”. “Nhưng thay vào đó, nghi ngờ của chúng tôi đặt ở tình huống sau: Một thân chủ đến trị liệu với một triệu chứng tâm lý, ví như trầm cảm hay rối loạn ăn uống, đồng thời họ không hề có ký ức gì về việc mình bị lạm dụng, nhưng sau khi sử dụng mở rộng những kỹ thuật khơi gợi trí nhớ (v.d thôi miên, tưởng tượng có hướng dẫn, câu hỏi định hướng), họ bắt đầu nhớ lại thời gian sang chấn nặng nề. Chúng ta không có bất kỳ bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào chứng minh trí nhớ hoạt động kiểu đó.”
“Kết luận, với việc chúng tôi đã định nghĩa đầy đủ về trí nhớ bị đè nén và làm rõ với người tham gia rằng chúng tôi tìm hiểu về niềm tin có liên quan đến việc ngăn cản những ký ức sang chấn một cách vô thức, chúng tôi vẫn bảo vệ kết quả của mình.”

http://www.psypost.org/2014/08/memory-wars-scientific-evidence-repressed-memories-27571

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter