Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

GIAO TIẾP BẰNG MẮT TRỰC TIẾP CHƯA CHẮC LÀ CÁCH THUYẾT PHỤC HỮU HIỆU



David DiSalvo

“Nếu bạn muốn tạo ảnh hưởng lên người khác, hãy luôn giao tiếp bằng mắt”, đây như là một niềm tin phổ quát không có gì lay chuyển được. Thế nhưng nghiên cứu mới đây lại cho rằng huyền thoại này không phải là chân lý-thật ra, trong một vài tình huống, việc nhìn chăm chăm trực tiếp vào người khác có thể đem đến kết quả hoàn toàn trái ngược.

Những nhà nghiên cứu từ Harvard, Đại học British Columbia và Đại học Freiberg đã sử dụng những công nghệ định vị-mắt tân tiến để kiểm tra giả định trên thông qua hai thực nghiệm. Thực nghiệm đầu tiên, nhóm nghiên cứu cho các nghiệm viên xem băng hình quay một người thuyết giảng, đồng thời theo dõi chuyển động mắt của họ. Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ hỏi nghiệm viên rằng họ được người thuyết giảng thuyết phục ra sao. Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng thời gian nghiệm viên nhìn vào mắt người thuyết giảng càng nhiều bao nhiêu thì họ cáng ít bị thuyết phục bởi luận điểm của người nói bấy nhiêu. Thời gian duy nhất mà nghiệm viên nhìn vào mắt người nói có liên hệ với việc bị ảnh hưởng là lúc nghiệm viên đã đồng ý với quan điểm của người nói.

Như vậy, kết luận đầu tiên là: khi người thuyết giảng đưa ra một luận điểm đối nghịch với thính giả, việc người nghe nhìn vào mắt người nói sẽ đem lại hệ quả hoàn toàn trái ngược với mong muốn.

Trong thực nghiệm thứ hai, một vài nghiệm viên sẽ được yêu cầu nhìn vào mắt người thuyết giảng, trong khi những người còn lại sẽ nhìn miệng người nói. Một lần nữa, những nghiệm viên nhìn vào mắt người nói sẽ ít tiếp thu các ý kiến trái ngược của diễn giả hơn, đồng thời họ cũng cho rằng mình giảm mong muốn tương tác với những người ủng hộ lập luận của người nói.

Điều này đem lại cho chúng ta một kết luận trái ngược với niềm tin phổ thông: nếu khán thính giả của bạn đã hoài nghi những luận điểm của bạn từ trước, việc nhìn vào mắt bạn không những củng cố sự ngờ vực của họ, mà còn khiến họ giảm mong muốn tương tác với những người chia sẻ quan điểm với bạn.

Theo Julia Minson, Đại học Chính Phủ Harvard Kennedy, đồng chủ nhiệm nghiên cứu, “Nghiên cứu nhấn mạnh việc giao tiếp bằng mắt có thể phát đi những thông điệp rất khác nhau tùy theo hoàn cảnh. Trong khi giao tiếp mắt là một dấu hiệu kết nối hay tin tưởng trong những tình huống thân thiện, nó có vẻ lại được liên kết với việc thống trị hay đe dọa trong các hoàn cảnh ngược lại.”

Lời khuyên của bà giành cho mọi người, từ cha mẹ cho đến các chính trị gia là: “Cần phải luôn ghi nhớ rằng, việc duy trì giao tiếp bằng mắt có thể phản tác dụng khi bạn cố gắng thuyết phục những người có hệ thống niềm tin khác biệt với bạn.” 

Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu, nhóm sẽ điều tra liệu giao tiếp mắt trong một vài tình huống có liên hệ với mô thức hoạt động của não trong việc đáp trả các đe dọa, đồng thời làm tăng nhịp tim cùng lượng hormone gây stress hay không.

Có một vài mối liên hệ với nghiên cứu này đã được kham phá trong thế giới động vật, điều mà bất kỳ ai có quan tâm đến bất kể điều gì từ chó cho tới khỉ đột đều biết-nhìn trực tiếp vào mắt một con vật có khả năng gây hấn không phải là một ý hay. Hành vi đó được xem như một sự đe dọa và có thể dẫn đến việc tấn công.

Trích lời một nhà nghiên cứu khác, Frances Chen, “Giao tiếp mắt là tiến trình căn bản mà chúng tôi nghĩ rằng, nó có thể đi kèm với toàn bộ những thay đổi về sinh lý tiềm thức”
Nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Psychological Science


In the Eye of the Beholder: Eye Contact Increases Resistance to PersuasionPsychological Science 0956797613491968, first published on September 25, 2013 doi:10.1177/0956797613491968

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter