Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

TẠI SAO TA CẢM THẤY KHÓ KHĂN KHI PHẢI SỐNG VỚI NGƯỜI ÁI KỶ

Susan Krauss Whitbourne, Ph.D.

Những nét tính cách đi kèm với sự ái kỷ của một người thường khiến cuộc sống của những người xung quanh trở nên cực kỳ khó khăn. Những người có tính ái kỷ cao thường chuyên quyền, đòi hỏi và thích tập trung vào bản thân mình. Họ cũng hay trốn tránh trách nhiệm, tin rằng công việc nhà thật chẳng xứng tầm với nhân phẩm cao sang của họ. Bằng cách liên tục đòi hỏi sự ngưỡng mộ, họ khiến những người yêu thương và sống quanh họ gặp căng thẳng – bạn không bao giờ đem lại đủ sự chú ý và tung hô cho người ái kỷ cả đâu.

Bên cạnh đó, bạn có thể thêm sự cầu toàn, nhu cầu đưa người khác vào một bộ những chuẩn mực lý tưởng, vào trong danh sách những vấn đề khi phải sống với người ái kỷ. Mà còn phải là một loại cầu toàn đặc biệt! Trong nghiên cứu được thực hiện bởi tâm lý gia người Canada Simon Sherry cùng đồng nghiệp (2014), gần 1000 sinh viên ĐH tự đánh giá bản thân về mức độ ái kỷ và một vài kiểu cầu toàn. Hai phần ba mẫu là nữ, và khoảng một nửa là người gốc Châu Á, đây là những dữ kiện bạn cần phải nhớ khi đến phần diễn dịch kết quả nghiên cứu ở phía dưới. Cũng cần đề cập đến việc nghiên cứu không chỉ tập trung vào những người có rối loạn nhân cách ái kỷ, mà còn đến những mức độ ái kỷ “bình thường” hơn chưa cần đến can thiệp lâm sàng.

Nghiên cứu đã đưa ra một số ý tưởng đáng chú ý.
Nhằm đo đạc tính ái kỷ, Sherry cùng nhóm nghiên cứu đã sử dụng Bảng câu hỏi Nhân cách Ái kỷ nổi tiếng, một trắc nghiệm gồm 40 câu hỏi hai lựa chọn. Ví dụ, một người ái kỷ cao sẽ đồng ý với phát biểu “Tôi là người siêu việt,” nhưng lại không tán thành phát biểu trái ngược, “Tôi khá giống với mọi người”.
Các tác giả dự đoán những người có nét nhân cách ái kỷ sẽ cần cảm thấy bản thân hoàn hảo, và, khi xét rộng hơn, những người gần gũi họ cũng phải hoàn thiện. Điều này gợi nhớ đến lời nói của hai nhân vật ái kỷ, Galinda và Fiyero, trao cho nhau trong “Wicked”, “Anh hoàn hảo, Em hoàn hảo, nên chúng ta cùng hoàn hảo”.

Theo Sherry và đồng sự, nguyên nhân của khát khao cầu toàn nơi người ái kỷ nằm ở học thuyết cho rằng người ái kỷ chưa bao giờ hoàn toàn vượt qua được cách nhìn lý tưởng hóa mà khi họ còn thơ ấu giành cho cha mẹ mình. Giống một tấm gương họ thường soi mình, những người ái kỷ sử dụng những hình ảnh hoàn hảo từ người khác để “phản chiếu hình ảnh tự đại của mình vào trong bản ngã” [Tham khảo thêm giai đoạn gương soi của Lacan]
Cơ chế gương soi nơi người ái kỷ

Ở mức độ nhận thức, những người mang tính ái kỷ nhìn thế giới từ vị trí của cảm giác mạnh mẽ về quyền lực, đồng thời họ tin rằng họ, và những người xung quanh, cần phải trở nên hoàn hảo. Sự kết hợp giữa mối liên hệ sâu xa đến cha mẹ và những tiến trình tư duy bị bóp méo duy trì sự chuyên quyền và tự đại tạo nên “bộ đôi hoàn cảnh” khiến người ái kỷ trở thành một người tình không thể nào chịu đựng nổi.
Nếu bạn từng ở chung với một người như thế, bạn sẽ có thể liên tưởng đến tiền đề của nghiên cứu. Nếu người yêu của bạn là người ái kỷ, họ sẽ liên tục soi mói những thiếu sót của bạn, đặc biệt những điều có thể mắt thấy tai nghe. Khi tóc bạn bị rối, răng bạn dính bẩn, hay bạn đang ăn mặc “không đúng” hoàn cảnh, nếu không ép bạn chỉnh sửa thì họ cũng sẽ liền quở trách bạn. Việc có một người canh chừng những lỗi chải chuốt hiển hiện có thể là tốt, nhưng nó cũng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, nếu chưa đến mức bị xúc phạm, khi bề ngoài của mình liên tục bị giám sát và chỉnh sửa.

Sherry và nhóm nghiên cứu đã sử dụng những câu hỏi sau để điều tra một vài phương diện của sự cầu toàn:
  1. Cầu toàn đối với chính mình: “Khi tôi đang thực hiện công việc, tôi không thể thư giãn cho đến khi nó hoàn hảo.”
  2. Cầu toàn đối với người khác: “Nếu tôi yêu cầu người khác làm gì cho tôi, tôi kì vọng họ sẽ hoàn thành mà không có sai sót.”
  3. Cầu toàn với xã hội: “Mọi người luôn kì vọng sự hoàn hảo nơi tôi.”
  4. Cầu toàn trong hình ảnh bản thân (3 kiểu): “Tôi luôn cố gắng giới thiệu một hình ảnh của sự hoàn hảo”; “Thừa nhận thất bại trước mặt mọi người là điều tồi tệ nhất”; “Nếu tôi tự làm bẽ mặt mình trước mặt mọi người thì sẽ rất kinh khủng”.
  5. Nhận thức cầu toàn: “Tôi phải hoàn hảo.”
Nghiên cứu chỉ có tính tương quan, nghĩa là bạn không thể xác định điều gì dẫn đến điều gì. Tuy nhiên, trong những mối quan hệ chính yếu mà họ tập trung nghiên cứu, các tác giả không tìm thấy tương quan với một số những yếu tố quan trọng, bao gồm giới và nguồn gốc dân tộc [có đề cập đầu bài]. Những phân tích của nhóm đưa đến kết luận rằng chỉ có hai thang đo cầu toàn đóng vai trò quan trọng. Với cả nam lẫn nữ, cầu toàn với người khác và cầu toàn trong việc giới thiệu bản thân (“Tôi luôn cố gắng giới thiệu một hình ảnh của sự hoàn hảo”) có liên hệ nhiều nhất đến điểm số ái kỷ.
Nghiên cứu cho rằng, bất kể giới tính là gì, cầu toàn với người khác có liên hệ một cách hạn chế đến nhưng nét nhân cách ái kỷ. Người ái kỷ cho thấy ít quan tâm hơn đến việc trở nên hoàn hảo so với việc trông có vẻ hoàn hảo trước mặt thế giới. Nếu bạn giành nhiều thời gian ở bên một người ái kỷ, bạn có thể sẽ gặp rất nhiều rắc rối với việc người ấy quá tập trung chú ý quá đến vẻ bề ngoài. Thật vậy, trên thang đo đo lường mức độ người tham gia thật sự cảm thấy lo lắng về việc thiếu hoàn hảo, những người ái kỷ thường có điểm khá thấp. Một lần nữa, với người ái kỷ, bề ngoài là tất cả.

Không những bạn có thể biết được những người yêu, bạn bè hày thành viên gia đình có tính ái kỷ sẽ mong bạn trở nên hoàn hảo, bạn còn dự đoán được việc họ ngoại hóa những cảm giác yếu đuối của bản thân bằng cách áp đặt chúng lên bạn. Khi người yêu của bạn đang lo lắng rằng họ nhìn trông mệt mỏi, căng thẳng hay bê bối, những quan ngại đó sẽ chuyển thành việc phê phán chính bạn nhếch nhác và mỏi mệt. Những người ái kỷ luôn cố gắng để có vẻ ngoài (đôi khi không cần thiết) hoàn hảo, điều này có nghĩa là họ phải “bơm” cái tôi của mình lên bằng cách trang hoàng cho diện mạo, khả năng và thành công của bản thân trước mặt người khác. Họ sẽ nhận những thành tựu không phải do bản thân đạt được, và trở nên bận bịu tạo dựng màn kịch làm lóa mắt mọi người.
Đáng chú ý, có thể nhận thấy một số khác biệt về văn hóa. Những người Canada gốc Á Châu tham gia nghiên cứu mang tính ái kỷ nhiều hơn những người gốc Á Châu ở những nơi khác, điều này cho thấy những người thuộc các nền văn hóa mang nhiều tính tập thể có khả năng ít muốn cảm thấy khác biệt hơn. Cũng cần ghi nhận rằng không hề có khác biệt nào về giới tính-nghiên cứu cho thấy phụ nữ có khuynh hướng ái kỷ cũng trông đợi sự hoàn hảo nơi được người yêu tương tự như nam giới.

Kết luận: Nếu bạn cảm thấy mình là một người ái kỷ, bạn có thể sẽ muốn xem xét cách bạn đối xử với những người gần gũi nhất với bạn. Thay vì xem họ như một phần nối dài của bản thân mình, hãy nhận thấy rằng phần còn lại của thế giới không nghĩ như thế. Mọi người nhìn bạn qua hành vi của chính bạn chứ không phải của người yêu bạn. Ngược lại, nếu bạn là mục tiêu thường trực của cặp mắt soi mói của người bạn mình, hãy nhận ra rằng việc liên tục bắt bẻ đến từ những yếu đuối bên trong họ.
Việc hiểu được tính ái kỷ và cầu toàn liên hệ với nhau như thế nào có những giá trị thực tiễn. Những người mang nhiều trong mình hai tính cách này cùng những người sống chung có thể học được cách chấp nhận nhiều hơn những thiếu sót của bản thân và của người khác. Sự chấp nhận này có tác động lớn lên sức khỏe và sức sống của từng người và của cả mối quan hệ.

Tài liệu tham khảo
Sherry, S. B., Gralnick, T. M., Hewitt, P. L., Sherry, D. L., & Flett, G. L. (2014). Perfectionism and narcissism: Testing unique relationships and gender differences. Personality And Individual Differences, 61-62, 52-56. doi:10.1016/j.paid.2014.01.007


http://www.psychologytoday.com/blog/fulfillment-any-age/201407/why-its-so-hard-live-narcissists

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter